Hội Thảo Tập Huấn về Chương Trình Phục Hồi cho bệnh nhân trong chương trình Methadone

Chương trình MARS (Medication – Assisted Recovery Services) được sáng lập bởi ông Walter Ginter, bà Joycelyn Woods và NAMA-R (liên minh quốc gia về phục hồi bằng thuốc) tại Bộ môn Lạm dụng chất thuộc trường Đại học Y Albert Einstein, NewYork.

PGS. TS. Đỗ Văn Dũng phát biểu tại Hội Thảo Tập Huấn Chương trình MARS

Chương trình này sau đó đã được bà Suzanne-Westcott thiết kế, phát triển cẩm nang và xây dựng thành chương trình Beyond MARS để nhân rộng mô hình MARS trên khắp Hoa Kỳ cũng như trên thế giới.

Một điều đặc biệt là ông Walter – người sáng lập chương trình MARS TM đồng thời cũng chính là một bệnh nhân đang sử dụng methadone. Câu chuyện phục hồi của ông không chỉ là nguồn cảm hứng cho chương trình mà còn là nguồn cảm hứng cho những bệnh nhân khác trên con đường phục hồi của họ. Năm 1972, do cảm thấy cuộc sống trong quân đội quá nhàm chán, ông đã tìm đến heroin. Sau một khoảng thời gian dài chìm trong nghiện ngập, ông đã tham gia điều trị nghiện bằng methadone. Mỗi khi điều trị ông lại có một cuộc sống mà ngày nay chúng ta tạm gọi là phục hồi, ông từ bỏ được heroin, có công việc và kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng methadone vẫn là “chất gây nghiện”, cuộc sống của ông vẫn phải gắn liền với nó. Ông quyết định ra khỏi chương trình điều trị, hết lần này đến lần khác ông từ bỏ việc uống thuốc methadone. Nhưng kết quả là ông nhanh chóng tái nghiện sau đó. Khi ông được gặp bà Joycelyn Woods, bà đã dùng kiến thức về khoa học thần kinh để giải thích cho ông hiểu rõ rằng methadone là một loại thuốc điều trị và nghiện chính là một bệnh mạn tính của não bộ. Kể từ đó họ đã xây dựng một tài liệu tập huấn để giúp các bệnh nhân khác hiểu rõ hơn về nghiện, sự phục hồi và thuốc sử dụng trong điều trị nghiện. Chính những nổ lực ban đầu đó đã đánh dấu sự ra đời của chương trình MARS .

Chương trình MARS là mô hình hỗ trợ cho các đồng đẳng viên (trong trường hợp này là những bệnh nhân đã từng sử dụng ma túy), được thiết kế riêng dành cho các bệnh nhân đang điều trị nghiện bằng thuốc. Như chúng ta đã biết, để điều trị nghiện cần sự phối hợp của nhiều yếu tố: từ tâm lý, sinh học đến xã hội. Trước đây, trong lĩnh vực điều trị nghiện chất luôn có sự phân cách giữa các yếu tố này. Ở mỗi yếu tố các chuyên gia luôn cố gắng chứng minh rằng giải quyết yếu tố này là cách tốt nhất để điều trị nghiện chất. Chẳng hạn như, mô hình y tế dành sự quan tâm đặc biệt đến yếu tố sinh học của nghiện như cắt cơn, giải độc, thuốc điều trị… Mặc khác, các tư vấn viên trong chăm sóc sức khỏe tâm thần thì lại nhìn nhận nghiện từ góc độ tâm lý như sử dụng các biện pháp tư vấn nhóm, cá nhân để can thiệp… Và khi khoa học về nghiện chất phát triển trong những năm gần đây, các yếu tố này bắt đầu xích lại gần nhau hơn. Điều trị nghiện không chỉ tập trung giải quyết một yếu tố sinh học, tâm lý hay xã hội, mà là sự tiếp cận các yếu tố này một cách toàn diện và lâu dài. Chúng ta đã quan tâm nhiều đến yếu tố sinh học và tâm lý, thì mô hình MARS TM ra đời giải quyết yếu tố còn lại là xã hội. Tuy nhiên, mô hình MARS TM là một chương trình phục hồi, chứ không phải là một biện pháp điều trị.

Học viên tham dự là các bệnh nhân đang điều trị trong chương tình Methadone

Các hoạt động chính trong chương trình bao gồm những buổi sinh hoạt nhóm, các hoạt động xã hội và phát triển kỹ năng lãnh đạo nhóm của nhóm trưởng. Nhóm MARS TM sẽ được cung cấp thông tin về nghiện như nghiện là bệnh của não bộ, thuốc điều trị nghiện, sự phục hồi, vấn đề kỳ thị và các chính sách vận động. Đồng đẳng viên trong chương trình MARS TM sẽ được học cách xây dựng và điều hành nhóm riêng của mình. Mỗi chương trình MARS TM có thể được xây dựng phù hợp với nhu cầu riêng biệt theo từng cá nhân tham gia vào cộng đồng này.

Khi hiểu rõ bản chất nghiện là một bệnh chứ không phải là một hành vi tiêu cực có thể khiến cuộc đời đồng đẳng viên thay đổi. Việc uống methadon hằng ngày giống như việc các bệnh nhân khác uống thuốc để điều trị các bệnh mạn tính khác như cao huyết áp, tiểu đường… Từ đó bệnh nhân sẽ có một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn.

Lợi ích quan trọng nhất của chương trình mang lại chính là tinh thần cộng đồng. Các đồng đẳng viên trong chương trình MARS TM cùng học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Họ là một cộng đồng gắn kết, bởi hơn ai hết họ hiểu những gì mà các đồng đẳng viên khác đã từng trải qua và họ đến với nhau vì mục tiêu chung là sự phục hồi.

Quyết định tham gia vào chương trình MARS TM mang tính tự nguyện bởi phục hồi là một lựa chọn của bệnh nhân, bệnh nhân không thể phục hồi đúng nghĩa nếu họ chỉ tham gia vào chương trình theo sự khuyến khích của nhân viên y tế.

Hoạt động quốc tế đầu tiên của chương trình MARS được thực hiện tại Hải Phòng vào năm 2015. Nhận thấy hiệu quả mà chương trình này mang lại cho bệnh nhân đang sử dụng methadone trên con đường phục hồi của họ, SAMHSA (Cục quản lý các dịch vụ Điều trị Nghiện và Sức khỏe Tâm thần) đã tài trợ để xây dựng chương trình tập huấn MARS cho các giảng viên Việt Nam để có thể chủ động trong việc nhân rộng mô hình này trong nước. Đội ngũ giảng viên được tuyển chọn từ các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược Thành Phố Hồ Chí Minh, Đại học Lao động xã hội và các nhân viên tư vấn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiện chất.

Chương trình tập huấn TOT (Training of Trainers) tại Việt Nam được chia làm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Tổng quan về kỹ năng tập huấn, quan sát khóa tập huấn MARS từ hai chuyên gia nước ngoài là ông Walter Ginter và bà Suzanne-Westcott.

Giai đoạn 2: Luyện tập áp dụng các kỹ năng, đến thăm và làm việc với nhóm MARS tại Hải phòng.

Giai đoạn 3: Thực hiện tập huấn MARS có sự giám sát, hỗ trợ từ hai chuyên gia, nhờ đó nhóm giảng viên rút được kinh nghiệm, cải thiện kỹ năng và lên kế hoạch cho các bước tiếp theo.

Trong suốt một chặng đường dài dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của ông Walter Ginter, bà Suzanne-Westcott và sự nổ lực của nhóm giảng viên, chương trình đã gặt hái được một số thành công nhất định. Trong tháng 6, năm 2017 chương trình đã tổ chức hai đợt tập huấn về mô hình MARS tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với sự giảng dạy của nhóm giảng viên Việt Nam. Qua hai đợt tập huấn này, bốn nhóm MARS đầu tiên đã được hình thành ở hai thành phố lớn này, góp phần nhận rộng mô hình này trên khắp cả nước.

Ông Walter Ginter, một bệnh nhân Methadone phục hồi, hiện cũng là giảng viên của chương trình MARS

Một số hình ảnh khác ghi nhận tại Hội thảo tập huấn tại TP. HCM:

PGS. TS. Đỗ Văn Dũng (Phó hiệu trưởng ĐH Y Dược TP. HCM) và TS. Nadine Rogers (Giám Đốc SAMHSA Việt Nam) trao Thư cám ơn cho hai giảng viên chương trình MARS – Ông Walter Ginter và bà Suzanne Hall-Wescott.
Nhóm học viên thảo luận xây dựng nội quy nhóm MARS của chính mình
Học viên được lắng nghe chia sẻ và góp ý từ không chỉ các giảng viên Việt Nam mà còn nhận được nhiều ý kiến từ hai giảng viên Hoa Kỳ.
TS. Nadine Rogers phát biểu bế mạc Hội thảo Tập huấn MARS, chia sẻ định hướng hỗ trợ của SAMHSA cho chương trình
Học viên lớp tập huấn là những bệnh nhân đang trong chương trình Methadone tại quận 4 và quận 8, TP. HCM
Học viên được học tập và nhận chứng chỉ hoàn thành khóa học sau tập huấn

Ds. La Thị Hồng Lan

Trả lời