Hệ thống chăm sóc y tế Việt Nam đã có nhiều bước phát triển với nhiều mô hình hiện đại, hướng đến những dịch vụ với chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu cảu thời đại và nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, hiện tại hệ thống y tế vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đến các vấn đề về sức khỏe hành vi vừa là nguyên nhân vừa là yếu tố nguy cơ gây mắc các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.
Giáo Sư Ronnal O’Donnell – Đại học Bang Arizona (ASU), đã có một số chia sẻ hữu ích và thú vị xoay quanh chủ đề lồng ghép yếu tố sức khỏe hành vi và một số kinh nghiệm nghiên cứu về mô hình này tại một số quốc gia trên thế giới tại Đại học Y Dược TP. HCM ngày 15/11/2017 vừa qua.
Cũng theo GS. O’Donnell, hiện tại tỷ lệ béo phì ở Việt Nam đang gia tăng (15% đàn ông và phụ nữ béo phì) (Pham Ho và cộng sự, 2015); bệnh cao huyết áp phổ biến, nhưng nhiều người chưa được chẩn đoán; tỷ lệ nam giới sử dụng thuốc lá và rượu cao, và tỷ lệ phụ nữ sử dụng thuốc lá cũng đang tăng cao (Hoy và cộng sự 2013). Bên cạnh đó, người mắc những căn bệnh “hiện đại” như trầm cảm cũng không còn quá hiếm gặp ở Xã hội Việt Nam.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là làm thế nào chúng ta có thể hạn chế các nguy cơ và làm giảm thiểu các triệu chứng của những căn bệnh này?
Nếu chúng ta cân nhắc lồng ghép được cấu phần “Chăm sóc sức khỏe hành vi” vào mô hình hiện tại, chúng ta sẽ sớm có câu trả lời cho vấn đề trên.
“Chăm sóc sức khỏe hành vi hiểu một cách đơn giản là chúng ta cắt cử các chuyên gia chăm sóc sức khỏe hành vi vào làm việc tại các bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng; những người này sẽ can thiệp chính trên các nhân tố hành vi làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh không lây (hút thuốc lá, lười vận động, thiếu dinh dưỡng), và các bệnh rối loạn hành vi (trầm cảm, lo âu, các triệu chứng thực thể/ căng thẳng)” – GS. O’Donnell.
Các chuyên gia sức khỏe hành vi này sẽ phối hợp làm việc với nhân viên của bệnh viện/phòng khám cũng như các bác sĩ điều trị để giúp bệnh nhân xác định các yếu tố nguy cơ trong hành vi của họ làm đưa đến hoặc trầm trọng hóa những căn bệnh như béo phì, trầm cảm, nghiện thuốc lá, đái tháo đường, và những căn bệnh hành vi mãn tính khác. Tại đây, họ sẽ sử dụng các bảng hỏi, bản câu hỏi sàng lọc và các bộ câu hỏi giúp bệnh nhân tìm ra các hành vi có vấn đề của mình và từ đó tư vấn thuyết phục họ vừa thay đổi các hành vi không tốt, vừa giữ liên lạc và hỗ trợ quá trình tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Những công việc trên đòi hỏi bản thân người chuyên gia phải có kiến thức cơ bản về y khoa nói chung, vừa phải có các kiến thức sâu rộng về sức khỏe hành vi và các kỹ năng tư vấn cho khách hàng.
Đặc biệt tại Hoa Kỳ, nơi công nghệ rất được thịnh hành, sức khỏe hành vi được người dân khá coi trọng, thể hiện qua việc nhiều người sử dụng các ứng dụng (app) trên điện thoại di động và các thiết bị thông minh khác để đo lường tình trạng sức khỏe của mình. Từ đó chủ động liên hệ với cơ sở điều trị để có các biên pháp can thiệp phù hợp.
Đây sẽ là một định hướng tiềm năng trong tương lai, vừa giúp tiết kiệm chi phí cho khám chữa bệnh nói chung, vừa giảm gánh nặng công việc cho nhân sự của các phòng khám khi bản thân bệnh nhân tự biết cách chăm sóc và đánh giá tình trạng sức khỏe chung của mình.
Hiện tại Cơ quan Phát triển Quốc Tế của Hoa kỳ (USAID) đang phối hợp với Đại học bang Arizona tổ chức một cuộc nghiên cứu khảo sát trên 4 quốc gia Châu Á nhằm đánh giá nhu cầu lồng ghép mô hình chăm sóc sức khỏe hành vi vào khu vực này.
Chi tiết bài trình bày của GS. O’Donnell có thể được tải tại đây: Tải bản tiếng Việt Tải bản tiếng Anh
Video buổi trình bày.